Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Vì sao Hàn Quốc không phát triển vũ khí hạt nhân?

Hàn Quốc từng nuôi tham vọng trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng dưới áp lực của Mỹ và một số nước khác, Seoul không tiếp tục theo đuổi con đường này.

Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và có thể dùng chương trình tên lửa đạn đạo để chống lại kẻ thù. Vậy tại sao Hàn Quốc lại không phát triển vũ khí hạt nhân?

Câu hỏi này được đưa ra tuần trước tại Seoul, nơi giới chức Hàn Quốc cảnh báo về nguy cơ xung đột trên bán đảo sau vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 28/7. Cuối tuần trước, giới chức Hàn Quốc có đề cập tới việc cần phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo, và có thể đàm phán lại với Mỹ về điều này.

Nếu tái khởi động chương trình vũ khí mới, rất lâu nữa Hàn Quốc mới nắm trong tay vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc hiện có chương trình điện hạt nhân và có thể cùng các chuyên gia bàn bạc để bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân trong khoảng thời gian ngắn.

avMàn hình ở một nhà ga tại Seoul chiếu thông tin Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 28/7. Ành: AP

Won Yoo-chul, một nhân vật cao cấp của đảng bảo thủ cầm quyền Hàn Quốc, hồi năm ngoái cho rằng Seoul nên phát triển vũ khí hạt nhân “ôn hòa” để chống lại “sự sợ hãi và tự sát” của Triều Tiên. Vài tháng sau, một cuộc thăm dò cho thấy 60% người dân Hàn Quốc ủng hộ một động thái như vậy. Con số này tương đương với số liệu thăm dò hồi năm 2006.

Thậm chí trước khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng nêu khả năng các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân riêng. “Lúc này chúng ta có một thế giới hạt nhân”, ông Trump nói hồi tháng 3/2016.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đặc biệt lo ngại khả năng Hàn Quốc phát triển chương trình hạt nhân và cho rằng điều này có thể kéo theo vấn đề khác.

Lịch sử tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc

Đây không phải là một thế giới hạt nhân như lời Tổng thống Trump từng nói, theo Washington Post. Trong lịch sử, 9 quốc gia trên thế giới đã thử thành công bom nhiệt hạch - và Triều Tiên là nước duy nhất thử nghiệm loaị vũ khí này trong suốt hai thập kỷ qua.

Hàn Quốc từng mong muốn trở thành một trong số các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Đầu những năm 1970, khi chương trình điện hạt nhân phát triển, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã bắt nghiên cứu về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Các tài liệu đã được giải mật cho thấy chính phủ Mỹ quan tâm sâu sắc về việc chính quyền quân sự Hàn Quốc tiếp cận vũ khí hạt nhân. Washington đã gây áp lực buộc nước này từ bỏ tham vọng đó.

Hàn Quốc cuối cùng phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào tháng 4/1975, phần lớn là do áp lực từ Mỹ và Canada. Về lý thuyết, ký vào NPT đồng nghĩa với việc buộc phải từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Tuy nhiên, Seoul được cho là đã bí mật theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân những năm sau đó. Năm 2004, Hàn Quốc thừa nhận là nơi diễn ra các thí nghiệm hạt nhân bí mật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Một phần vì những thí nghiệm như vậy, một số chuyên gia quân sự cho rằng Hàn Quốc có thể phát triển vũ khí hạt nhân trong một thời gian ngắn (18 tháng), tờ Chosun Ilbo năm ngoài cho hay.

Thậm chí không có vũ khí hạt nhân, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc vẫn nằm có sự phòng thủ hạt nhân.

Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân Mỹ. Washington cam kết bảo vệ đồng minh bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Mỹ vẫn duy trì sự bảo đảm này cho tới nay dù họ đã chuyển vũ khí hạt nhân khỏi quốc gia đồng minh vào năm 1991 - một phần nỗ lực thuyết phục Triều Tiên cho phép IAEA kiểm tra các điểm hạt nhân của nước này. Vào lúc đó, Bình Nhưỡng và Seoul cũng cùng nhau cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Một số báo cáo gần đây cũng cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc việc đưa vũ khí hạt nhân Mỹ trở lại Hàn Quốc.

Hàn Quốc có thực sự muốn sở hữu vũ khí hạt nhân?

Các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc không có gì mới, song giới phân tích thường cảnh báo về đề xuất này vì một số lý do.

Hàn Quốc tái khởi động tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân đồng nghĩa việc nước này rút khỏi NPT. Không nhiều quốc gia làm như vậy, ngoại trừ Triều Tiên.

Động thái này cũng có thể làm giảm vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế và có thể dẫn tới các lệnh trừng phạt. Phát triển chương trình vũ khí cũng kéo theo nhiều rắc rối cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của Hàn Quốc, ước tính cung cấp 30% lượng điện tiêu thụ của cả nước.

Tệ hơn nữa, một số chuyên gia lo ngại, chương trình hạt nhân của Hàn Quốc có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn hơn trong khi vực, trong bối cảnh Nhật Bản hay Đài Loan có lẽ cũng đang phát triển vũ khí hạt nhân, còn Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Tất cả những điều trên làm tăng những toan tính khó đoán và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.

Ngay tại bán đảo, Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc nếu Seoul phát triển vũ khí hạt nhân. Khi đó, mức độ nguy hiểm của những tính toán sai lầm giữa hai bên sẽ tăng lên.

Có lẽ vì những lập luận trên mà các ý kiến thúc giục Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân cũng ít dần. Khi vấn đề này bùng phát hồi năm ngoái, Tổng thống Park Geun-hye đã bác bỏ ý tưởng này.

Còn người kế nhiệm của bà Park, ông Moon Jae-in, chọn phương án thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với miền Bắc - cách xử lý trái ngược với giải pháp quân sự nhằm xử lý khủng hoảng.

Nhiều người cho rằng các cuộc đối thoại về tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân Hàn Quốc đơn giản là cách Seoul gây áp lực với các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc.

"Tôi không nghĩ Hàn Quốc thực sự muốn có vũ khí hạt nhân", Park Syung-je, Chủ tịch Viện Chiến lược Châu Á tại Seoul, gần đây nói với tờ Washington Post. "Đó là cách Hàn Quốc nhắn nhủ với người Trung Quốc rằng 'nếu anh không hợp tác để xử lý vấn đề Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ có vũ khí hạt nhân của riêng mình'".



Xem thêm bài viết mẹo vặt hay khác tại http://ift.tt/2pjb5xv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét